Chương trình xếp hạng Top 100 ESG - Việt Nam Xanh

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) không còn là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết đối với mọi doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính – bảo hiểm. Năm 2024 là năm ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Theo báo cáo từ phía VCCI, lần đầu tiên có tới 33 doanh nghiệp tại Việt Nam công bố riêng Báo cáo Phát triển bền vững, tăng mạnh so với các năm trước. Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030 cũng đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy doanh nghiệp phải lồng ghép các yếu tố ESG vào hoạt động vận hành cốt lõi. Với vai trò là “lá chắn tài chính” của nền kinh tế, các công ty bảo hiểm đứng trước áp lực và cũng là cơ hội để chứng minh năng lực thích ứng, quản trị rủi ro và tạo dựng giá trị dài hạn không chỉ cho cổ đông, mà cho cả xã hội và môi trường. 

Là doanh nghiệp tái bảo hiểm quốc gia, VINARE không chỉ là chốt chặn rủi ro cho toàn thị trường bảo hiểm, mà còn là một trong những đơn vị tiên phong trong ngành bảo hiểm Việt Nam thúc đẩy phát triển bền vững. VINARE là một trong những doanh nghiệp bảo hiểm đầu tiên xây dựng riêng Báo cáo Phát triển bền vững theo chuẩn GRI, tích hợp các nguyên tắc ESG vào chiến lược dài hạn và từng hoạt động nghiệp vụ cụ thể. Từ năm 2024, VINARE triển khai đánh giá độc lập phát thải khí nhà kính – bước đi nhằm lượng hóa dấu chân carbon và đặt nền móng cho các hành động giảm phát thải thực chất. 

Trong nhiều năm qua, VINARE duy trì mức tăng trưởng doanh thu ổn định, hiệu quả kinh doanh tích cực và hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao – phản ánh nền tảng tài chính vững mạnh và định hướng phát triển bền vững nhất quán. Mỗi bước tiến trong hoạt động của VINARE đều hướng đến việc không ngừng nâng cao giá trị cho cổ đông, đóng góp tích cực cho thị trường, đồng thời hài hòa với các mục tiêu môi trường và xã hội. Song song với việc củng cố nội lực, VINARE cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác tái bảo hiểm quốc tế uy tín, từng bước tiệm cận các chuẩn mực toàn cầu về quản trị rủi ro, quản lý danh mục và công bố thông tin. Trong bối cảnh rủi ro ngày càng phức tạp – từ thiên tai, biến đổi khí hậu đến các rủi ro phi truyền thống – VINARE chủ động đầu tư vào các công cụ phân tích, mô hình dự báo và hệ thống kiểm soát nhằm tăng cường khả năng thích ứng.  

Minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình là nguyên tắc xuyên suốt trong mọi hoạt động của VINARE – không chỉ nhằm tuân thủ các quy định quản trị tiên tiến, mà còn để kiến tạo niềm tin và chuẩn hóa các thông lệ tốt cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Với vai trò doanh nghiệp tái bảo hiểm quốc gia, VINARE kiên định theo đuổi những chuẩn mực cao hơn, góp phần nâng tầm quản trị ngành bảo hiểm, hướng tới một thị trường công khai, minh bạch và phát triển lành mạnh. 

Trên phương diện vận hành, VINARE đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và tối ưu hóa quy trình xử lý thông tin. Việc chuyển đổi kỹ thuật số trong vận hành văn phòng cũng được ưu tiên nhằm giảm thiểu tiêu thụ giấy, điện, nước và thúc đẩy sử dụng các sản phẩm tái chế, góp phần vào mục tiêu vận hành xanh và bền vững. 

Trong hoạt động nghiệp vụ, việc cung cấp năng lực cho các dự án điện tái tạo và các hoạt động sản xuất – kinh doanh thân thiện với môi trường luôn được VINARE ưu tiên hàng đầu. Song song với đó, công ty từng bước giảm tỷ trọng bảo hiểm đối với các nhà máy và dự án nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trên lộ trình phát triển bền vững, VINARE đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc nhận tái bảo hiểm cho các dự án nhiệt điện than ở nước ngoài, và tiến tới loại bỏ toàn bộ hoạt động nhận tái bảo hiểm liên quan đến nhiệt điện than trong nước vào năm 2035. Gắn liền với lộ trình này, VINARE không phát sinh mới các khoản đầu tư vào trái phiếu của các dự án khai thác than và/hoặc điện than; đồng thời không cung cấp các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm và bồi thường cho người lao động tại các nhà máy nhiệt điện than. 

VINARE chính thức kết hợp khung ESG vào quy trình ra quyết định trong cả hoạt động đầu tư và tái bảo hiểm, đồng thời triển khai chiến lược đầu tư xanh. Công ty ưu tiên các dự án và doanh nghiệp có hiệu quả dài hạn, thân thiện với môi trường và tuân thủ các nguyên tắc ESG. Ngoài ra, các yếu tố ESG cũng được cân nhắc trong các thỏa thuận đầu tư ủy thác, bảo đảm sự đồng bộ trong chiến lược phát triển bền vững. 

Song song với đó, VINARE chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp đề cao đạo đức nghề nghiệp, tính minh bạch và sự đa dạng – những giá trị cốt lõi làm nền tảng cho sự phát triển lâu dài. Công ty cũng không ngừng nâng cao năng lực nội bộ thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu về ESG dành cho đội ngũ lãnh đạo các cấp, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nội bộ để lan tỏa nhận thức và cam kết ESG đến từng cán bộ nhân viên, nhằm đảm bảo mọi quyết định và hành động đều hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. 

Trên thị trường, VINARE luôn tích cực đồng hành cùng các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nâng cao năng lực ứng phó trước những rủi ro mới, đặc biệt là thiên tai và biến đổi khí hậu, từng bước hướng đến các mô hình bảo hiểm xanh và bao trùm hơn. Phát triển bền vững, với VINARE, không chỉ là mục tiêu dài hạn, mà còn là cam kết hành động – với thị trường, với đối tác, với môi trường và với tương lai của ngành bảo hiểm Việt Nam. 

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển có trách nhiệm, ESG đang dần trở thành một thước đo mới cho sự bền vững, năng lực quản trị và uy tín của doanh nghiệp. Sự gia tăng áp lực từ các nhà đầu tư, khách hàng và các quy định quốc tế đang buộc các công ty bảo hiểm phải thay đổi cách tiếp cận ESG một cách căn cơ hơn. Trên thế giới, Liên minh châu Âu đã ban hành Quy định về công bố tài chính bền vững (SFDR – Sustainable Finance Disclosure Regulation), chính thức có hiệu lực từ năm 2021. SFDR yêu cầu các tổ chức tài chính, bao gồm các công ty bảo hiểm, phải công bố rõ ràng và chi tiết về các tác động ESG trong hoạt động đầu tư và kinh doanh, qua đó thúc đẩy toàn ngành tài chính – bảo hiểm toàn cầu rà soát lại mô hình hoạt động, tích hợp các yếu tố bền vững vào chiến lược dài hạn và nâng cao tính minh bạch trong báo cáo. 

Tại Việt Nam, các cam kết quốc gia và sức ép từ cộng đồng quốc tế cũng đang tạo nên những chuyển động rõ rệt. Sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã ký kết thỏa thuận chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và đối tác quốc tế, với tổng nguồn lực huy động lên tới 15,5 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Đây là tín hiệu cho thấy ESG không chỉ là một xu hướng toàn cầu, mà đã trở thành định hướng chiến lược của quốc gia. Đối với ngành bảo hiểm, đặc biệt là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài, sức ép từ tập đoàn mẹ và các tổ chức tài chính quốc tế trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn ESG toàn cầu đang buộc họ phải hành động mạnh mẽ hơn – không chỉ để duy trì niềm tin từ đối tác, mà còn để duy trì vị thế cạnh tranh trong một thị trường ngày càng khắt khe và minh bạch. 

ESG không còn là khẩu hiệu hay tuyên ngôn, mà đang được ‘nội hóa’ thành triết lý vận hành cốt lõi – kim chỉ nam dẫn đường cho ngành bảo hiểm Việt Nam trên hành trình kiến tạo tương lai bền vững. Và trong hành trình ấy, VINARE cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm không chỉ là ‘người gác cổng’ cho an toàn tài chính, mà còn là những người bạn đồng hành bền bỉ, cùng xã hội vượt qua biến động, hướng tới một nền kinh tế xanh, nhân văn và thịnh vượng